Chuyện ấy thì có chi can hệ

la-cabina-images-a2a560fb-bff5-4164-915a-5c9be30d5ef

Thường thì những chuyện phức tạp luôn bắt đầu từ những chuyện hết sức vớ vẩn.

Ví dụ như trong Đời nhẹ khôn kham, câu chuyện của Tereza và Tomas chỉ bắt đầu từ việc nhạc Beethoven nổi lên khi Tereza đang rót rượu cho anh. Nếu như nó không nổi lên khi ấy, hoặc giả không phải là Beethoven, thì có lẽ một khả dĩ khác đã xảy ra.

Ví dụ như trong Ugetsu Monogatari, nếu Genjuro không cố sống cố chết ngồi nung những chiếc bình gốm, thì anh ta cũng không thể nào lạc vào cõi ma ảnh của người thiếu phụ.

Hoặc ví dụ như trong La Cabina. La Cabina là một bộ phim ngắn của Tây Ban Nha, sản xuất năm 1972. Truyện phim bắt đầu từ việc người ta đặt một chiếc bốt điện thoại màu đỏ ở giữa sân chơi. Một ông bố sau khi tiễn con đi học xong, đã vào gọi điện. Truyện xem ra chả có gì, cho đến khi, ông ta muốn mở cửa đi ra, mà không tài nào mở được.

Mọi người hiếu kỳ đứng vây kín xung quanh, chỉ chỉ trỏ trỏ, cười cười nói nói trước hoàn cảnh của người đàn ông xấu số. Cũng có một vài kẻ hảo tâm định giúp đỡ, nhưng bằng mọi cách, từ sức lực tới trí lực, đều không tài nào mở được. Rồi khi cảnh sát định ra tay, thì người của công ty lắp đặt tới, họ bê cả cái bốt điện thoại theo và chở ông đi. Họ chở ông tới một nơi rất xa, tại đây, ông bàng hoàng trông thấy có rất nhiều những chiếc bốt điện thoại khác, bên trong đó, là rất nhiều những người mắc bẫy khác. Kết cục, ông sụp xuống, chỉ còn bàn tay giơ lên, ông biết điều gì đang đợi mình phía trước.

Xem xong phim, tôi chỉ biết thở dài. Hoàn toàn không phải vì cái xã hội thờ ơ vô cảm nơi đàn ông đàn bà, người già trẻ nhỏ, tất cả cười cợt trước thảm cảnh của người đàn ông bị kẹt trong bốt. Xã hội vô cảm là chuyện nghìn năm nay vẫn vậy, đừng bắt xã hội phải có lòng từ bi, nếu nó từ bi, nó đã không còn là xã hội. Tôi chỉ thở dài vì việc chết sao mà dễ thế. Có khi chỉ là bước vào một cái bốt điện thoại. Thế thôi. Thế mà cũng chết. Thế là đủ để chết. Vấn đề là, không thể nào đoán trước được. Làm sao mà biết bước chân vào một cái bốt điện thoại là sẽ chết chứ? Hai, ba tuần trước, tôi đọc Ngầm của Murakami, cuốn sách về vụ đầu độc sarin trên tàu điện ở Nhật Bản. Những nạn nhân trong vụ khủng bố đều nói rằng, khi ra ga tàu ngày hôm ấy, nó cũng là một ngày như mọi ngày vậy thôi.

Một ngày như mọi ngày vậy thôi.

Trừ việc hôm ấy chúng ta sẽ chết. Thật ra thì vẫn là một ngày như mọi ngày. Như trong bộ phim kia, dù ngày ấy có khủng khiếp đến đâu với người đàn ông bị nhốt, thì nó cũng là một ngày như mọi ngày với những kẻ đã cười cợt ông.

Cảnh cuối của bộ phim, người ta lại bê một bốt điện thoại y hệt ra đặt tại chỗ cũ. Trong số những kẻ đã chế giễu ngày hôm đó, ai biết có khi lần này có sa chân hay không? Cho dù có cũng chưa chắc đã là quả báo. Rồi cả những người đã giúp đỡ ông, có khi vận xui này lại rơi vào họ, nhưng như thế cũng không phải không công bằng. Và những người chẳng dính dáng gì tới chuyện này đi chăng nữa, nếu rơi vào họ thì sao? Đó đâu có gì vô lý. Chỉ là đã sống thì phải chấp nhận đời này toàn những chuyện không đâu. Đến lượt của anh, anh không thể bảo tôi không thích. Không thích thì anh có thể làm gì nào?

Bỗng nhớ đến cái câu “chuyện ấy thì có chi can hệ” mà Mersault cứ nói đi nói lại. Bởi vì đời ai nấy sống, có ai liên quan đến ai, cho đến khi nó xảy tới với mình, thì chuyện ấy có chi can hệ.

1 thoughts on “Chuyện ấy thì có chi can hệ

Bình luận về bài viết này