Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót || Cái giếng, chiếc vỏ rỗng, cơ học lượng tử, chim tiên tri, cắt đứt khỏi thế giới, và trong khi chờ đợi hãy làm như mình đã chết

“Cái đã tô điểm cho sa mạc là việc nó ẩn giấu một cái giếng ở nơi nào đó”

– Hoàng tử bé

Tôi lại muốn bắt đầu bằng một câu chuyện trước khi review cuốn sách, lần này không phải một câu chuyện khoa học, mà là một câu chuyện răn dạy của Thiên Chúa giáo.

Chuyện kể rằng một người đàn ông trước khi chết được gặp Chúa, Chúa đưa cho ông một chiếc vali. Người đàn ông hỏi:

– Chúa ơi, trong vali có gì vậy ạ?

– Một điều gì đấy thuộc về nhà ngươi. – Chúa đáp.

– Những gì thuộc về con? Ý Chúa muốn ám chỉ những đồ đạc, áo quần, tiền bạc của con?

– Những cái đó đã không phải của nhà người; chúng thuộc vào trần gian. – Chúa trả lời

– Có phải nó là ký ức của con?

– Những cái đó đã không bao giờ thuộc về nhà người; chúng thuộc vào Thời Gian.

– Có phải là những tài ba của con?

– Những thứ đó đã không bao giờ là của nhà ngươi; chúng tuỳ thuộc vào những tình huống.

– Có phải là các bạn và gia đình?

– Rất tiếc chúng đã không bao giờ là của nhà ngươi; họ thuộc vào con đường mà nhà người đã đi qua.

– Có phải là vợ và con trai của con?

– Họ đã không bao giờ là của nhà ngươi; họ thuộc vào trái tim của nhà ngươi.

– Có phải là thân xác con?

– Cái đó đã không bao giờ là của nhà ngươi; nó thuộc vào cát bụi.

– Có phải là linh hồn của con?

– Không, cái đó là của ta.

Đầy sợ hãi, người đàn ông lấy cái vali từ Chúa và và tá hóa nhận ra rằng chiếc va ly này có ổ khóa to đùng đã gỉ sét…

– Lạy Chúa, có gì trong vali bí hiểm này vậy? nhưng tại sao lại không có khóa, làm sao con mở đây?

– Trong đó có một trái tim của con và ta sống rất cô đơn trong đó. Chìa khóa này con giữ… nhưng dường như con đã vất nó xuống sông từ lâu lắm rồi đến nỗi ổ khóa đã sét gỉ cả chục năm không có cách nào mở được. Lòng con như chiếc va li tối tăm khép kín này, giữa vùng trời ánh sáng rực rỡ của Ta. Kết quả thảm thương là: ta bơ vơ trong trái tim con.

***

Một ngày nghỉ làm, nghỉ cả học, mặc kệ cho điện thoại sập nguồn, để làm gì à? Câu trả lời là: đôi khi tôi chỉ muốn thử xem cái cảm giác cắt đứt mình ra khỏi thế giới sẽ như thế nào.

Tất nhiên, ừ thì tôi phải công nhận đó chỉ là một ẩn dụ. Bởi ngay lúc này đây, tôi đang viết những dòng này trên WordPress, một thứ được gọi là mạng xã hội, set bài viết ở chế độ public. Trong thế giới hiện đại nơi mà wifi phủ sóng đến tầng gốc cây ngọn cỏ, cắt đứt mình ra khỏi thế giới là một điều gì đó không tưởng, ít nhất là đối với một người sống giữa đô thị có hơn 7 triệu người đang chen chúc. Giống như là một phi hành gia bay ngoài vũ trụ ấy, anh ta có thể một mình ở giữa một khoảng không mênh mông rộng lớn, nhưng vẫn có những thiết bị thu âm kết nối anh ta với Trái Đất. Nói cách khác, trừ khi anh ta quyết định nhảy ra khỏi buồng lái và để mình rơi tự do trong không gian cùng đám thiên thạch và bụi khí, thì mãi mãi anh ta cũng không thể tuyên bố rằng: TÔI ĐÃ CẮT MÌNH RA KHỎI THẾ GIỚI NÀY!

Trong cả một ngày không dài lắm, tôi đọc. Biên niên ký chim vặn dây cót. Haruki Murakami. Quãng buổi chiều ngoài trời mưa rất to. Còn trong truyện, Okada Toru chui xuống lòng giếng để Suy Nghĩ. Tôi tự hỏi không biết ở Hà Nội này có cái giếng cạn nào để tôi chui xuống đó một lúc được không? Một nơi nào đấy tôi có thể để bóng tối nuốt chửng lấy mình.

Không ai làm hài lòng tất cả thiên hạ. Cái đó tôi biết. Nhưng nếu một người nói rằng họ không thích Haruki Murakami, thì tôi, bằng một sự tự tin đến ngạo nghễ, dám đoan chắc rằng: không phải họ không thích Murakami, mà là chưa đến lúc họ nhận ra họ thích Murakami.

Một ngày nào đó, khi bạn tỉnh dậy vào lúc 3h sáng và không ngủ lại được nữa, nhận ra tất cả đều đang say giấc, chỉ có mình bạn cô đơn trong những giấc mộng trằn trọc của riêng mình; hoặc khi bạn cầm điện thoại lên tìm một số để chuyện trò, nhưng chẳng tìm được ai; hoặc khi con mèo của bạn, thứ duy nhất có hơi ấm mà bạn có thể ôm vào lòng mỗi khi muốn khóc, cũng bỏ đi không lời cáo biệt, có lẽ bạn sẽ nhận ra bạn thích Murakami đến nhường nào.

Phải rồi, mỗi khi bạn thấy mình gục xuống, bạn sẽ muốn cuộn tròn trong những trang sách của Murakami. Mà “trên đời này ai rồi cũng gục… Nhất là trong cái thế giới mà bạn đang cố cầm cự ấy: ai thì rồi cũng gục thôi.”.

***

Biên niên ký Chim vặn dây cót kể về Toru Okada, một người đàn ông 30 tuổi thất nghiệp, bề ngoài chẳng có gì để nhận diện, đi tìm con mèo bị mất tích dưới sự giúp sức của một bà đồng. Rồi chẳng mấy chốc, Kumiko, vợ anh, cũng biến mất theo không để lại chút tăm tích. Cứ thế, Toru Okada dấn thân vào một cuộc hành trình kỳ quái, gặp những con người kỳ quái để không chỉ đưa những điều mình yêu thương nhất quay về mà còn để tìm lấy bản nguyên đã lạc mất của chính anh.

Tôi vẫn chưa hết kinh ngạc mỗi khi đọc Murakami, ít ra là đến lúc này. Ông biết cách kể những câu chuyện đồ sộ và siêu hình bằng thứ ngôn ngữ rất thuần khiết và trong sáng. Điều đó khiến cho công chúng tầm thường như tôi thích ông. Điều đó cũng khiến cho một vài người không thích ông, cụ thể là một số nhà phê bình khó tính. Các nhà phê bình luôn là vậy, họ luôn có định kiến với những người biết bình dân hóa những điều phức tạp. Cũng giống như người ta luôn mỉa mai Richard Claydeman là nghệ sĩ dương cầm của thang máy, và mặc dù tôi không thích nghe Richard Claydeman, đôi khi tôi vẫn thấy thật bất công cho ông. Âm nhạc chỉ là âm nhạc. Văn học chỉ là văn học. Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật. Chỉ cần nó có thể chạm tới trái tim một ai đó thì có nghĩa là nó đã cứu rỗi được một ai đó. Nếu có thể, xin hãy nhìn bằng đôi mắt bao dung hơn.

Tôi không biết nên cắt nghĩa thế nào về Biên niên ký Chim vặn dây cót. So với Kafka và Xứ sở, Biên niên ký có lẽ còn để lại nhiều mối băn khoăn hơn. Nhưng tôi cũng thừa hiểu rằng cắt nghĩa tác phẩm của Murakami cũng vô ích như đem một số thực chia cho 0 vậy, kết quả là chẳng có kết quả nào cả, một câu hỏi vô nghĩa thì không thể có đáp án. Đứng trước Murakami, tốt nhất là hãy trở thành những kẻ vô tư.

Không biết bạn có thấy giống tôi không, nhưng đọc Murakami ấy mà, nó cứ như là đi bắt cái bóng của chính mình. Nó ở ngay đấy, ngay trong tầm với, ngay trong tầm tay, thậm chí ta có thể chạm vào nó, nhưng chẳng bao giờ ta bắt được nó cả, lại càng không bao giờ nhốt nó lại được. Khi ánh sáng tắt thì nó cũng không từ mà biệt. Chúng ta vẫn nói “cái bóng của ta”, nhưng thử nghĩ mà xem, nếu cái bóng là của ta, vậy tại sao ta không bao giờ thực sự sở hữu nó?

Không riêng gì cái bóng, có rất nhiều điều trên đời này chúng ta cứ đinh ninh là của chúng ta, nhưng kỳ thực chẳng phải vậy. Tất cả những nhân vật quái dị trong Biên niên ký chim vặn dây cót, dù khác biết tới đâu, cũng đều đi qua cái mẫu số chung ấy của nhận thức. Và họ đau những nỗi đau giống nhau. Giống tới mức lắm khi tôi cảm tưởng tất cả họ chỉ là một. Còn cả cuốn tiểu thuyết này chính là một vở kịch độc thoại trong đó một diễn viên đóng tất cả các vai, từ nam đến nữ, từ gã thất nghiệp đến nhà chính trị gia, từ bà đồng đến một nhà thiết kế thời trang, từ cô gái 16 tuổi mắc bệnh tâm lý đến một ông già có khả năng thấu thị, từ một cựu chiến binh già cỗi mãi chưa chết được đến một anh chàng không bao giờ nói.

Vậy cái người diễn viên đại tài (hay kẻ đa nhân cách quái gở) ấy là ai, bạn có thể hỏi? Tôi nghĩ anh ta đã xuất hiện ngay từ đầu một cách mờ mịt, và chỉ tới những chương cuối cùng, đến khi người ta đã quên béng là có sự tồn tại của anh ta, thì anh ta mới xuất đầu lộ diện và giới thiệu mình:

Tôi là người rỗng.

Người không mặt. Người rỗng. Nơi đáng nhẽ phải có gương mặt của anh ta thì lại hoàn toàn là một bóng tối đen kịt. Chúng ta là ai ngoài những cái bóng đen?

Chúng ta thật sự là ai trên vũ trụ này? Có thật là chúng ta quan trọng không? Hay dù tất cả chúng ta có chết đi thì vũ trụ này vẫn sờ sờ ở đó? Thế giới là có thực hay chỉ là ảo ảnh trong mắt con người? Murakami nghĩ, chúng ta sinh ra chỉ là những cái vỏ rỗng: “tôi như một bộ xương khô, cái vỏ rỗng do con côn trùng bỏ lại.”. Chúng ta tưởng là đôi tay này là của chúng ta, Toru Okada cũng tưởng thế, nhưng khi chui xuống cái giếng sâu nơi bóng tối là toàn bích, khi cặp mắt không còn nhìn thấy đôi tay, anh mới nhận ra sự hiện hữu của mình chỉ là hư không. Chúng ta tưởng ai đó là người chúng ta hiểu nhất, Toru Okada cũng tưởng thế, nhưng khi anh nhận ra đến những điều như vợ mình ghét khăn in hoa hay thịt bò nấu chung cùng ớt xanh anh cũng không hay biết, anh mới nhận ra anh có thể sống tới cuối đời mà vẫn thấy xa lạ về người nằm cạnh mình. Chúng ta tưởng rằng thanh quản này, âm thanh này phát ra từ chúng ta, Akasaka Quế cũng tưởng thế, nhưng một sáng nọ, sau một cơn ác mộng kéo dài, anh tỉnh dậy trông một cái tôi khác không còn biết nói, chắc lúc đó anh mới hay “con người ta chẳng gì hơn là những con búp bê trên mặt bàn, lò xo quấn chặt sau lưng, búp bê chỉ có thể chuyển động theo những cách không phải do nó chọn, đi về những hướng không phải do nó muốn.”.

Murakami có thể là một kẻ vô thần. Nhưng cái vỏ rỗng trong Biên niên ký Chim vặn dây cót cũng đâu khác gì chiếc va li tăm tối trong lời răn của Kinh thánh.

Tôi từng xem một chương trình khoa học của Brian Greene – một trong những nhà vật lý lý thuyết hàng đầu hiện nay, người thậm chí còn được ưu ái gọi là “ngôi sao nhạc rock” của vũ trụ học. Trong một bài nói chuyên của mình, Brian đặt ra câu hỏi đại khái rằng: tại sao mọi thứ lại được sắp đặt như nó vốn có, bạn cứ nghĩ mà xem, chỉ cần khối lượng của vật chất tối trong không gian giảm đi một tỉ lệ rất nhỏ thôi, thì trái đất sẽ không được tạo ra để có chúng ta. Dường như Chúa đã tính toán rất kỹ, để mọi thứ trở nên hoàn hảo cho sự khai sinh ra con người. Thế nhưng có vẻ chúng ta chẳng quan trọng tới thế. Bởi lý thuyết mới đã gợi mở cho một mô hình với hàng tỉ tỉ vũ trụ song song, mỗi vũ trụ lại có những đặc tính khác khác nhau, vả chăng, vũ trụ của chúng ta chỉ là một xác suất trong vô vàn những xác suất. Còn sự tồn tại của chúng ta, có gì đâu ngoài một sự ngẫu nhiên. Và nếu một ngày loài người không còn nữa, thì đó là bởi thời hạn của chúng ta đã hết, con đường này của chúng ta đã đi vào ngõ cụt. Chúng ta chỉ là một quân tốt trên bàn cờ tạo hóa. Không ai nhớ tới chúng ta. Chết rồi, sẽ bị ném ra ngoài không ai thương tiếc.

Không biết Murakami có quan tâm tới vật lý hiện đại không. Nếu có, ắt hẳn ông là một fan trung thành của cơ học lượng tử với thuyết bất định của Heisenberg hơn là một fan của Albert Einstein. Nói qua loa thì cơ học lượng tử khẳng định rằng mọi thứ đều là bất định, không thể tiên đoán chắc chắn. Ví dụ như bạn nhốt một con mèo vào một cái hộp kín có một hệ thống tạo ra axit đậm đặc. Con mèo ấy sẽ sống hay chết, nếu như bạn không mở hộp ra? Với kinh nghiệm cá nhân, chúng ta đều cho rằng con mèo sẽ chết. Nhưng cơ học lượng tử chứng minh rằng, chừng nào chưa mở hộp ra thì chưa biết chắc được. Xác suất con mèo còn sống, dù rất nhỏ, nhưng vẫn lớn hơn 0. Và ở một vũ trụ xa xôi nào đó, có thể con mèo vẫn sống và kêu meo meo khi ta mở nắp hộp lên. Einstein nói: Chúa không chơi trò xúc xắc. Nhưng ông đã sai. Vì Chúa rõ ràng là người thích những trò đen đỏ.

Ở khía cạnh này, tôi nghĩ Murakami rất hợp với cái tính sáng nắng chiều mưa buổi trưa áp thấp của Chúa trời. Tôi chưa từng thấy một nhà văn nào viết tùy tiện như con người này. Tùy tiện khủng khiếp. Không có outline, không có kế hoạch, không có cả một kết cục định sẵn. Murakami nuông chiều nhân vật của mình nhiều hơn là bắt họ tuân theo ý ông để phục vụ một mục đính cao cả nào đó của ông. Chính bản thân ông đã thừa nhận điều này. Ông cứ viết thôi. Và khi viết, ngay cả ông cũng tò mò không biết rồi ngòi bút sẽ dẫn mình đi tới đâu. Bởi thế mà, với một sự kính trọng tuyệt đối, tôi cam đoan, những câu chuyện quái đản trong Biên niên ký Chim vặn dây cót, Murakami cũng chẳng thể nào giúp bạn lý giải. Đơn giản vì đến ông cũng đâu lý giải được nó đâu.

Nhưng sự “lộn xộn” của Murakami không chỉ dừng lại ở văn phong hay triết lý văn chương kỳ dị không theo trật tự logic nào. Nó còn là một cái gì sâu xa hơn thế.

“Có khi thế giới này là một cánh cửa xoay… Ta lọt vào ngăn nào của cửa xoay là hoàn toàn tùy ở chỗ chân ta bước vào đâu. Ở ngăn này có hổ, ở ngăn kia không có hổ. Có khi chỉ đơn giản vậy thôi.”. Và mặc dù không nói, nhưng chắc hẳn, khi viết tới đoạn này, Murakami đã nghĩ: Ở ngăn này có người, ở ngăn kia không có người. Hay như cô bé 16 tuổi Kasahara May đã viết cho Toru Okada đó: chúng ta cứ nghĩ hễ đã cho hỗn hợp chawanmushi vào lò vi ba rồi nhấn nút, đợi chuông reo là ta có món chawanmushi, nhưng chắc gì, một ngày nào đó chúng ta mở ra và sẽ thấy món macaroni nấu pho mát, chẳng phải vì chúng ta cho nhầm ngay từ đầu, mà bởi vì thế giới này là thế đấy.

Thế giới của Murakami, không gì hơn là một thế giới lượng tử. Tất cả những thứ diễn ra trong đó, chỉ là một khả năng trong rất nhiều những khả năng. Và chúng ta chỉ đang đánh cược chính mình.

Hôm trước, tôi phải lên mạng tìm nghe tiếng lên dây cót. Đã lâu rồi kể từ lần cuối cùng tôi nghe ai đó vặn dây cót một vật. Có lẽ phải lâu lắm, từ hồi bé xíu khi vặn dây cót cho những con đồ chơi. Còn một chiếc đồng hồ báo thức lên dây thì tôi chưa từng vặn bao giờ. Tôi ít khi xem đồng hồ. Có lẽ vì thế mà tôi có cái tính xấu là thường xuyên trễ nải.

Tôi muốn nghe lại tiếng vặn dây cót chỉ vì muốn tưởng tượng ra rốt cục cái tiếng Quick…quick mà con chim vặn dây cót kêu nó có thể là như thế nào. Nhưng nghe chán rồi, tôi cũng chẳng ngộ ra điều gì. Thành thực mà nói, tôi đã đọc qua một số review, tiểu luận, khảo cứu nói về cuốn sách này, nhưng không một sự diễn giải nào về hình tượng “chim vặn dây cót” làm tôi thấy đủ. Mặc dù chính tôi cũng không diễn giải được hơn thế. Được rồi, đồng ý tiếng kêu ấy luôn xuất hiện như điềm báo cái chết, rồi thì đủ thứ lằng bà nhằng khác, nào là tiếng kêu của tâm thức, tiếng kêu khi cái ác nổi lên,… nhưng sao tôi vẫn thấy thiêu thiếu. Hoặc là, nó quá phức tạp so với suy tưởng của tôi. Cho nên tôi không hiểu được.

Nhưng như đã nói ở ban trên, có họa điên mới đi cắt nghĩa về Murakami, càng cắt nghĩa về Murakami, lại càng thấy nó rối bời. Nó như một mớ tóc càng chải càng rối, nó như một mê động càng đi càng lạc. Tốt nhất là cứ để mình ngả ngốn theo những con chữ dày đặc của ông. Và lắng tai nghe những khúc nhạc chẳng có gì buồn.

Tôi thích Murakami lắm, vì các tác phẩm của ông là một phần. Một phần lớn hơn, là vì gu âm nhạc của ông rất hợp gu âm nhạc của tôi. Người ta rất dễ trao sự tin tưởng tuyệt đối cho một người cùng thích thứ âm nhạc giống mình. Âm nhạc không nói, nó chỉ hát lên thôi. Ngôn ngữ có thể là xảo trá, nhưng 7 nốt nhạc thì không.

Ai đó nói đọc Murakami xong có khi chẳng nhớ gì sất, mà chỉ nhớ tên một vài cuốn sách, một vài bản nhạc ông đề cập. Thật ra thì 3 phần của Biên niên ký Chim vặn dây cót đều bắt nguồn từ nhạc cổ điển: phần thứ nhất “Chim ác là ăn cắp” (The thieving magpie) là tên một bản ouverture của Rossini, phần thứ hai “Chim tiên tri” (Vogels als prophet) là tên bản độc tấu piano thứ 7 trong chùm nhạc viết riêng cho dương cầm Waldszenen – Cảnh rừng của Robert Schumann, còn phần thứ ba “Kẻ bắt chim” (the bird-catcher) là biệt danh một nhân vật phụ trong bản opera Magic Flute – Cây sáo thần của Mozart.

Tôi đã replay chùm tác phẩm Waldszenen của Schumann trong suốt nhiều ngày trời, đặc biệt là khúc Chim tiên tri. Nghe chán chê rồi, tôi in lại bản nhạc của Chim tiên tri và tự chơi. Khi tự chơi, dù hay hay dở, người ta luôn có thể nghiệm ra nhiều điều nằm giữa những khuông nhạc. Đơn cử như, chỉ khi chơi nhạc, bạn mới nhận ra, giữa khuông nhạc, đó không chỉ là những nốt nhạc. Đó là chưa kể, mỗi lần tận tay chơi những bản nhạc mình thích, tôi luôn nghĩ đến việc có một vị nhạc sĩ đã từng ngồi bên một cây đàn, viết ra những giai điệu trong khoảnh khắc lãng quên thế giới, và đến lượt mình, tôi cũng phải lãng quên thế giới.

Chim tiên tri là một khúc nhạc giản đơn, một khi nào đó có thời gian, có thể tôi sẽ nói nhiều hơn về nó. Nó được gợi cảm hứng từ một bài thơ của Goethe, về một con chim có khả năng tiên đoán tương lai, nhưng nó chỉ cất tiếng duy nhất một lần vào mùa xuân. Trong bản nhạc của Schumann, tay phải và tay trái thay phiên nhau cất tiếng hót giữa một không gian đang nín thở. Không biết tại sao, tôi nghĩ con chim tiên tri ấy chính là con chim vặn dây cót của Murakami. Chính là nó. Cất tiếng hót dịu dàng như không nỡ đánh thức một ai. Rồi nhanh chóng chìm vào tịch mịch. Tôi không biết con chim ấy có đang hót về những thứ như tâm thức, như cái ác, như cái chết hay không. Tôi chỉ biết tôi đang nghe nó hót. Và nó hót thật hay.

Cắt-đứt-thế-giới. Tôi cứ ngồi đó, ôm lấy cuốn truyện, cắm đôi tai nghe. Rất thường xuyên, tôi thấy ganh tị, ganh tị với những nhân vật trong Doremon là một, ganh tị với những nhân vật của Murakami là hai. Những nhân vật của Murakami, họ tự do quá và cô đơn quá. Làm thế nào để tự do đến thế và cô đơn đến thế? Này nhé, họ mặc kệ ngoài kia Iraq đánh nhau với Iran, Cuba mở sứ quán tại Mỹ, xăng tăng 1000d/lit, iphone 7 sắp ra mắt rồi, họ chỉ chui vào những thư viện và vùi mình trong sách. Họ gặp gỡ những bạn đường kỳ quái, nói những câu chuyện thật chẳng ra sao. Kafka Tamura thì chui vào một khu rừng nằm trần truồng trong ánh nắng ban mai. Lão Nakata thì nói chuyện với mèo và tạo ra những cơn mưa cá. Tay Hoshino thì bỏ việc để lên đường tìm một cái mà hắn cũng chả biết là cái gì với một ông già ngớ ngẩn. Quế chẳng bao giờ đi học vì trường học có giúp được gì cho anh đâu, thay vì thế, anh ngày ngày tự ngồi đọc sách. Kasahara May bỏ trường lớp để vào một nhà máy làm tóc giả, ngắm nhìn lũ vịt, và khóc. Ngay cả Toru Okada, dù chỉ quẩn quanh ở cái xó ngoại ô Tokyo, nhưng anh chui xuống một cái giếng sâu thật sâu, chỉ để Suy nghĩ.

Còn tôi. Biên niên ký Chim vặn dây cót đã đọc xong. Review cũng đã viết xong rồi. Nhưng tìm mãi vẫn chưa thấy một cái giếng cạn để nhảy xuống.

Nếu bạn biết nó ở đâu, làm ơn hãy bảo cho tôi với.

Tôi sẽ đợi. Dù chẳng biết phải đợi đến bao giờ.

Nhưng như ông già Honda nói: hễ đã cần đợi thì phải đợi. Trong khi chờ đợi, hãy làm như mình đã chết.

Chết là cách duy nhất,

để bạn được bơi tự do

Nomonhan

1 thoughts on “Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót || Cái giếng, chiếc vỏ rỗng, cơ học lượng tử, chim tiên tri, cắt đứt khỏi thế giới, và trong khi chờ đợi hãy làm như mình đã chết

Bình luận về bài viết này